Đối với người không và chưa học, tiếng Đức được xem là một thứ ngôn ngữ khó với những từ dài loằng ngoằng, những kí tự lạ và cách phát âm như cãi nhau. Vì vậy, để giúp các bạn mới học đỡ bỡ ngỡ, hãy cùng Hallo tìm hiểu về tiếng Đức nhé.
Bảng chữ cái tiếng Đức gồm 26 chữ cái như tiếng Anh, cộng thêm 3 chữ cái Umlaut ( ä ö ü) và ß.
Ä ö ü là những chữ cái có thể xuất hiện trong các ngôn ngữ khác ở châu Âu, nhưng ß chỉ xuất hiện ở trong tiếng Đức.
Độ khó của tiếng Đức được kết hợp từ nhiều yếu tố, và một trong những yếu tố đáng kể là danh từ. Danh từ trong tiếng Đức có 3 giống: der (đực), die (cái) và das (trung). Và cách phân chia giống ra sao thì các bạn phải học thuộc, vì chỉ có một số nhóm danh từ là theo quy tắc cho các bạn nhớ.
Chưa dừng lại ở đó, giống của danh từ sẽ có ảnh hưởng khác nhau đến các ngôi (nominative, dativ, genitive, akkusativ) và tính từ đi theo danh từ đó. Đây là yếu tố gây đau đầu cho rất nhiều bạn trên con đường chinh phục tiếng Đức.
Vì cùng vùng ngôn ngữ và nguồn gốc nên tiếng Đức và tiếng Anh có nhiều điểm tương đồng.
Ví dụ: willkommen (tiếng Đức) và welcome (tiếng Anh)
Ngoài ra, tiếng Đức còn có các từ được mượn thẳng từ tiếng Anh, gọi là Anglizismus. Ví dụ như chill – chillen, like – liken…
Do đó, nếu bạn có kiến thức về tiếng Anh thi việc học tiếng Đức sẽ dễ liên tưởng hơn. Và theo kinh nghiệm của mình, khi dịch từ tiếng Đức sang tiếng Anh thì kết quả sẽ sát nghĩa hơn khi dịch sang tiếng Việt.
Độ dài của từ vựng
Chắc hẳn các bạn cũng đã từng thấy và hoảng hồn về các bài đăng về độ dài của các từ tiếng Đức. Tuy nhiên sự sắp xếp đó rất là logic nếu bạn hiểu được chúng.
Ví dụ: Das Fußballweltmeisterschaftsqualifikationsspiel – trận đấu vòng loại giải vô địch thế giới môn bóng đá.
Ngữ pháp tiếng Đức so với tiếng Anh thì phức tạp hơn rất nhiều với các cấu trúc câu và số lượng lớn các trường hợp bất quy tắc. Vì vậy, để học tốt và sử dụng tốt tiếng Đức, các bạn cần phải học thuộc và ôn luyện một cách thường xuyên.
Không như tiếng Anh, tiếng Đức là thứ ngôn ngữ ‘’viết sao đọc vậy’’. Tức là chỉ có 1 cách phát âm cho một cụm chữ cái đó. Tuy nhiên, để phát âm chuẩn tiếng Đức rất khó, vì trong từ vựng tiếng Đức có rất nhiều phụ âm, đồng thời cách phát âm của một số từ đòi hỏi chúng ta phải gằn trong cổ họng.
Các mức trình độ tiếng Đức
Có nhiều cách đánh giá trình độ tiếng Đức, nhưng theo chuẩn chung châu Âu thì phổ biến nhất là trình độ theo thang A1-C2. Trong đó, A1 thấp nhất và C2 cao nhất (tương đương người bản xứ).
Để được sang Đức du học hoặc học nghề thì bạn cần phải đạt mức B1-B2 tùy vào trường và bang nơi bạn học.
Để được học ở bậc đại học thì bạn phải có mức trình độ DSH-2 (tương đương C1).
Mình xin trả lời là KHÓ. Tuy nhiên, dù gian nan đến mấy thì chúng ta vẫn có thể chinh phục tiếng Đức theo từng bước, và bạn cũng không cần phải có năng khiếu thì mới học được tiếng Đức. Việc học tiếng Đức sẽ mở ra cơ hội cho chúng ta tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến và tuyệt vời. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng và kiên trì để thành thạo thứ ngôn ngữ khó nhằn này nhé.